Phong thủy: Ký sự tầm long điểm huyệt

0 nhận xét

Phong cảnh hùng vĩ sơn thủyXem phong thủy - Trong ký sự này chúng tôi giới thiệu đến bạn học thuật của thầy phong thủy  về tầm long tróc mạch, trong đó thầy phong thủy nghiêng hẳn về Phong Thủy Ðịa Lý trên hai khía cạnh Dương Trạch - Âm phần để nhằm tạo sự hài hòa giữa con người và các vũ trụ tuyến.

Ông cho biết gốc của Tử Vi là Bát Quái Cửu Cung nhưng nay các sách Tử Vi lại chỉ nói đến phần ngọn là an sao đoán số. Ông nghĩ rằng Tử Vi luận số mạng của một người và có tính cách tiêu cực vì ít ai thay đổi được số mạng cả, còn Ðịa lý nếu làm được có thể thay đổi số mạng cả một gia đình hay cả một giòng họ. Do đó Ðịa Lý có tầm quan trọng lớn và thiết thực hơn. Tôi được biết ông là học trò cụ Dương Thái Ban, một danh sư Ðịa Lý và ngoài ra ông cũng đã có dịp qua Ðài Loan tham khảo thêm về môn này.

Tôi rất thích nghe chuyện Ðịa lý của ông nên cố gắng khơi chuyện về mồ mả kết phát. Ông bảo các tài liệu về mồ mả kết phát có nhiều trong “Nam Hải Dị nhân” hay “Công Dự tiệp ký”. Tuy nhiên ông cũng không ngại kể cho nghe một câu chuyện mới về Ðịa lý mồ mả do chính ông thực hiện. Một ngôi mả mà ông nghĩ con cháu của phúc chủ sau này sẽ hơn cha mẹ vì chính ông khi làm nhận thấy như được Thần linh dẫn dắt nên mọi việc êm xuôi như trở bàn tay. Tôi xin ghi lại câu chuyện theo lời kể của ông.

Sau nhiều ngày dong duổi tầm long tróc mạch tuy đã tìm ra một số cuộc đất với những huyệt kết rõ ràng minh bạch. Nhưng tiếc thay có huyệt vận thời chưa đến lúc dùng được như được Hướng mà không được Sơn gây ra cảnh tổn đinh tuyệt tự; sơn thủy đảo điên chỗ nên có sơn thì lại có thủy và chỗ nên có thủy thì lại có sơn rất nguy hại cho tiền tài và con cái; có nơi huyệt quá gần nơi dân cư đã cất nhà không tiện cho việc đặt mồ mả. Trước khi nhận giúp gia đình này tôi đã khấn trước bàn thờ chư Tổ và được các ngài tiết lộ “Ðịa hữu Thần, Thậm uy linh …” nên trong lòng chắc chắn gia chủ thuộc cảnh “Tiền Nan hậu dị” do đó vẫn yên trí tìm thêm.



Một hôm vào buổi chiều trời đã xế nắng sau khi lội bì bõm qua một cánh đồng lúa xanh vì và phập phồng vin tay qua cầu khỉ cheo leo chúng tôi đặt chân lên một cuộc đất với giòng nước ôm quanh. Nơi đây là một cái gò nằm giữa cánh đồng cây cối um tùm xum xê, nào vườn táo, nào luống bắp, nương ngô, kia rặng chôm chôm, nọ luống xoài cát v.v… Cũng may chúng tôi gặp ngay người chủ vườn và sau khi trò truyện khoảng 1 giờ thì trời sắp tối. Chúng tôi xin hẹn ngày mai sẽ trở lại và được họ chỉ cho về bằng lối bờ ruộng trước mặt để tránh lầy lội. Chúng tôi vừa đi vừa ngoái trông lại cái gò đất mới phát hiện lòng như lưu luyến chẳng muốn về. Bất giác một tia sáng lóe ra tíc tắc trong đầu ngay lúc đấy chúng tôi tự nhiên biết được huyệt nằm ở đâu và hướng của huyệt quay về đâu. Trực giác bén nhậy này chúng tôi chưa từng cảm thấy trong các lần tìm huyệt trước trong chuyến đi.

Hôm sau trở lại khi đứng tại huyệt trường chúng tôi ngạc nhiên các chứng ứng của huyệt rất phù hợp một cách toàn thể như được đúc khuôn. Minh đường là cánh đồng lúa mênh mông xa mãi đến bờ sông; Án gồm cận án là đám ruộng cao trông tựa lưng con rùa phơi mình trên cánh đồng, viễn án là hai ngọn đồi sát nhau hình như lưng con lạc đà hay gọi là thiên mã. Tay long là một dẫy núi dài bên tay trái hình cong cong như lưỡi liềm mà đầu lưỡi liềm lại có một ngọn núi trông như một kim tự tháp nhỏ thường gọi là bút đứng hay bút lập. Tay hổ là dẫy núi hình móc câu trông như cổ con vịt quay đầu vùng vẫy trong giòng nước. Nơi đây cũng chính là Nhập Thủ Long để dẫn khí mạch đến vùng đất kết. Nhập thủ sinh động như thế thật là hiếm thấy. Bên cạnh phía ngoài tay hổ cũng có một ngọn núi nhọn và như thế hai bên tay lòng tay hổ đều có bút đứng. Cụ Tả Ao có câu “Bút lập là bút Trạng Nguyên. Bút thích giác điền là bút Thám hoa.” Chúng tôi rất ngạc nhiên vì cuộc đất có một bút đứng hay văn phong (núi chủ về văn học) đã là hiếm mà ngôi đất này lại có cả hai. Ngoài ra còn có nào là Thiên mã và gò đồng rất nhiều trên tay long tay hổ cũng như chẩm phía sau huyệt. Có thể áp dụng những câu thơ của cụ Tả Ao vào trường hợp này.

Muốn cho con cháu nên quan
Thì tìm Thiên mã phương Nam đứng chầu
Muốn cho kế thế công hầu
Thì tìm chiên trống dàn chầu hai bên

Nhưng hình thể dù có đẹp đến đâu đi nữa cũng còn phải dùng đến phép Lý khí Huyền Không để phối hợp xem có thật phù hợp hay không. Ðiều lạ là ngôi đất lấy cánh đồng trước mặt làm Minh đường nhưng sau huyệt và tả hữu huyệt là một lạch nước bao quanh rồi mới đến hậu chẩm cũng là một rặng núi nhấp nhô có thể gọi là Tam thai Ngũ nhạc. Như thế là huyệt có đầy đủ những chứng ứng cần thiết Long Hổ án chẩm. Hành long thuộc dạng Văn Khúc Thủy kéo dài cả hơn 20 cây số qua cá quận huyện. Khi kết huyệt lại phù hợp với cách thức diễn tả trong Hám long kinh một chân thư về Loan đầu.

Văn Khúc kết huyệt Chưởng tâm lạc

Hay thủy long thường kết huyệt ở giữa như lòng bàn tay và do đó lấy núi non của Long của mình làm Long Hổ Án Chẩm.




Chúng tôi dùng tay bấm quẻ Huyền không Lý khí thì lạ thay các nơi đặc biệt như bút hai bên, Thiên mã Án, Tam thai ngũ nhạc chẩn đều phù hợp với sự biến động của khí vô hình trong vận đầu của Hạ nguyên hay 60 năm cuối của chu kỳ tam nguyên 180 năm.

Thông thường với các môn phái khác như Tam Hợp Cửu tinh không khi nào dám lập huyệt mà lại dựa lưng vào nước gần như thế vì họ luôn luôn trông vào nước trước mặt để làm minh đường. Ðối với môn phái Chính tông thì không nhất thiết phải như thế. Chúng tôi khi lập huyệt này đã gối đầu vào lạch nước phía sau mà theo Huyền Không lý khí hóa ra lại hay vì thu được cả hình thể hữu tình cũng như khí vô hình luân lưu trong cuộc đất qua chu kỳ Tam Nguyên Cửu Vận. Cái lạch ôm quanh và rặng núi Tam thai Ngũ nhạc đều hợp thời hợp vận. Do đó sau khi học được lý khí Chánh tông thì lập huyệt định hướng cũng trở nên dễ dàng vì không còn e ngại những “kỳ hình quái huyệt” đã làm điên đầu bao nhà nghiên cứu chẳng biết xoay sở làm sao mà điểm cho đúng với Lý Khí cả.

Ngoài ra khi lập huyệt định hướng phải phối hợp với Nhập thủ mạch theo một phương pháp nhất định. Về điểm này chúng tôi may được dân địa phương dẫn đi chung quanh quan sát từng khóm cây ngọn cỏ mới nhận rõ mạch thổi vào huyệt từ đâu. Sau đó đem phương pháp hình thể Chánh Tông vào phối hợp thì quả là phải như thế. Chúng tôi hồi tưởng lại lời khẩu truyền tâm thụ của Thầy không khỏi khâm phục và nhớ mãi “...nếu không như thế thì là giả huyệt”. Lý khí chân truyền thật là giản dị đúng như các chân sư thường nhắc nhở. “Ðộc thư vạn bộ bất như khẩu quyết nhất chiêu” xin tạm dịch “Ðọc hàng ngàn quyển sách không bằng hiểu thấu đáo một câu quyết qua sự khẩu truyền”.

Quan sát hình thế và so sánh với các huyệt quanh vùng chúng tôi nghĩ rằng đây là huyệt chính của cuộc long. Long đình khí chỉ thủy tụ khi hành long buông mình phân ra long hổ kết huyệt trước khi ra đến bờ sông. Huyệt nằm giữa lòng bàn tay nhưng được tay hổ quay đầu thổi khí vào trông ngoạn mục như đầu con cò trong tư thế quay đầu rỉa lông. Dân địa phương cũng nhận biết đây là thế đất hình con chim. Nếu nói theo kiểu hát hình ta có thể gọi là cách “Ðại bàng ẩm thủy” hay “Bạch nhạn ẩm tuyền” co dễ hình dung.

Huyệt kết ở dạng Đột là một cái gò với dư khí thè ra như cái môi trước khi thoái khí dần vào Minh đường đúng như các sách Ðịa lý thường căn dặn Long Huyệt phải có chiên thần. Cụ Tả Ao có câu:

Kết thoái dư khí còn xa
Phải đi trăm dặm mới ra chiên thần

Khi đào huyệt qua hai lớp đất phía trên độ 2 tấc chúng tôi gặp lớp đất thứ ba dầy sâu độ 1 thước. Ðất đầy sinh khí tươi nhuận với đầy đủ ngũ sắc năm mầu: Trắng, Vàng, Ðỏ mầu gạch, Hồng, Xanh. Khi dùng tay rờ thì đất biến thành bột tựa như cát mịn. Người không biết cũng trầm trồ khen là đất đẹp. Riêng chúng tôi cũng mừng thầm cho phúc chủ được đất đầy đủ ngũ hành.

Huyệt tọa Cấn hướng Khôn hơi nghiêng về Dần Thân để hóa đi sát khí nếu có tại các phương Ðông và Ðông Nam. Huyệt nhằm thâu lấy khí tốt tại phương Tây Nam có án lưng rùa và Thiên mã, phương Nam và Tây với Long Hổ và bút lập hay văn phong, phương Ðông Bắc với lạch nước ôm quanh và rặng núi Tam Thai Ngũ nhạc. Cách phát thế nào thì gồm Ðinh Tài, văn học, vũ chức hay công danh thành đạt khác thường. Khi nào phát thì chúng tôi luận theo lý khí chân truyền được biết sẽ phát ngay trong vận này và sẽ kéo dài hết cho đến năm 2044.

Cũng nên biết thêm năm 1995 thuộc vận thứ 7 của Hạ Nguyên dùng huyệt này thì thu được khí tốt ở những chứng ứng trên. Nhưng nếu sang đến Thượng Nguyên thì không những không thu được sinh vượng khí mà còn bị sát khí làm hại. Do đó chữ Thời có một ảnh hưởng tối quan trọng trong sự thực hiện Ðịa lý.

Gia đình phúc chủ thuộc hậu duệ của một bậc Trạng Nguyên ngày xưa cũng do mồ mả kết phát nên vẫn còn duy trì được truyền thống Ðịa Linh Nhân Kiệt. Các con cố gắng thực hiện Ðịa lý trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi nhưng cuối cùng mọi việc đều thu xếp được vẹn toàn. Cụ ông lúc còn sống trọng tình nghĩa hơi tiền tài. Suốt đời luôn luôn đứng về phe kẻ yếu; một mình can đảm dám chống lại cả một phong trào a dua theo thời thế. Cụ ông mất trong lúc không thuận lợi cho việc thực hiện “Tầm long tróc mạch” nhưng 6 năm sau các con ai cũng đồng tâm nhất trí lo cho cụ ông được toại nguyện theo truyền thống tổ tiên “sống có nhà thác có mồ”. Người con trưởng cho chúng tôi biết gia đình đã làm lễ và cụ ông đã đồng ý một cách không ngần ngại, gieo quẻ âm dương được ngay lần đầu, cho phép cải táng.

Hôm bốc mộ chúng tôi thấy quả là linh nghiệm và đúng lúc vì nắp áo quan đã mục. Gia đình làm lễ rước cụ về nơi huyệt mới đầy sinh khí phong cảnh hữu tình. Thông thường ở địa phương này vào thời gian đó hầu như ngày nào cũng mưa vào buổi chiều. Chúng tôi chỉ nhắm chọn ngày giờ theo cho được ngày lành giờ tốt nhưng lại được cả ngày nắng đến mãi nửa đêm trời mới đổ mưa. Lúc hạ huyệt khi đọc điếu văn trời có nổi cơn giông tưởng chừng sắp mưa nhưng chỉ có vẻ tỏ dấu hiệu hài lòng cho mọi việc đã được vẹn toàn. Lễ cải táng cụ là một ngày đẹp trời. Mây trắng trời xanh làn gió mát như báo hiệu điềm lành cho sự chuyển mình của một giòng họ qua giai đoạn mới.

Ngay hôm đó chúng tôi và gia đình phúc chủ không định đến thăm khu nhà người chủ đất vì mọi sự đã có sự bằng lòng giữa đôi bên. Nhưng nhờ một sự tình cờ chúng tôi và con cháu của cụ đã đến thăm người chủ đất. Từ đây họ coi nhau như anh em trong một nhà. Chúng tôi chợt nghĩ thoáng trong đầu có lẽ nào cụ ông “sống không thác thiêng” đã bảo cho gia đình biết sống theo đạo lý nên tỏ sự biết ơn kẻ đã giúp mình trong ngày cải táng.



Làm xong cuộc đất một cách tươm tất phần chúng tôi cũng như phía gia đình phúc chủ cảm thấy như là mọi việc đã được sắp đặt từ trước và chúng tôi đôi bên chỉ là những kẻ theo đó mà làm. Riêng chúng tôi trực giác nhận ra huyệt và sau đó dùng lý khí Chính tông phối hợp giữa loan đầu hình thể và khí vô hình lại phù hợp được nhiều nơi. Lúc đào đất lại được đất ngũ sắc năm màu hiếm quý. Khi chọn ngày hạ huyệt lại được ngày không mưa. Chúng tôi trộm nghĩ rằng quả là đất này có Sơn thần Thổ địa trấn giữ từ lâu và ngày nay mách cho chúng tôi để tặng cho phúc chủ. Người con trưởng cũng không ngần ngại tiết lộ cùng chúng tôi gia đình cũng có nhờ người xem quẻ dịch về cuộc đất này và quẻ ra rất tốt với lời bàn “Quả đào ngàn năm mới chín để đãi cho gia đình có phúc. Có thể thực hiện mà chờ kết quả”. Quả đào ngàn năm đây muốn nói đến huyệt kết rất qúy và hiếm như là phải cần đến ngàn năm mới có một lần.

Cho nên thực hiện Ðịa lý nói khó cũng được mà nói dễ cũng được. Khó cho những ai chưa bắt tay vào việc, nào là Chân sư có mấy ai, thời gian eo hẹp và tiền bạc tốn kém. Dễ cho những ai có Phúc Duyên và nếu thành tâm thì thường được Thần linh giúp đỡ chỉ đường biến mọi việc tưởng như khó mà lại hóa dễ như không.

Nghe xong câu chuyện tôi nhớ lại một bài báo tại Mỹ của tờ San Jose Mercury News trong năm 1995 có nói đến một nghĩa trang do người Trung Hoa sáng lập với những huyệt giá từ 200,000 đến 300,000 dollars. Nghĩa trang này nếu tôi nhớ không lầm thì tại thành phố Colma gần phía Nam của thành phố San Francisco. Tôi định hỏi thêm về các chi phí tại nơi ông làm nhưng phi cơ đã bắt đầu hạ cánh sắp sửa đáp. Qua khung cửa con rồng Á Châu, quê hương tôi đã hiện ra trên các đám ruộng xanh, giòng sông với phù sa mầu hồng vờn lượn, những rặng núi vòng quanh ôm ấp ruộng đồng làng mạc như một bức tranh thủy mạc.

Tự nhiên tôi thấy như có một luồng sinh khí đang thổi vào óc não châu thân và lòng lâng lâng rộn rã khi sắp đặt chân trở lại vùng đất quê hương yêu dấu. Nơi đây Ðịa lý Phong thủy hay hiện tượng Ðịa linh Nhân kiệt vẫn còn duy trì và thực hiện như một truyền thống khó phai nhòa theo giòng lịch sử.

Thật kỳ diệu và huyền ảo thay! con người một linh vật sinh ra giữa trời đất rồi lại trở về với đất trời. Trong bối cảnh con người tuy có chết nhưng lại luôn được tái sinh. Ðịa lý thật đã đóng một vai trò quan trọng. Không những luôn vun bồi cho cuộc sống, mà lại còn tái tạo và nâng cao cuộc sống cho thế hệ mai sau. Và hình như hiện tượng Ðịa linh Nhân kiệt vẫn hằng luôn ở trong mọi người chúng ta, vào mỗi khi tâm hồn và trái tim rung cảm hòa nhịp cùng Hồn thiêng sông núi, như một Cộng hưởng tích lũy sức sống triền miên luôn tồn tại chẳng bao giờ mất của những trang Anh Hùng Liệt Nữ qua bao ngàn năm.

Tôi hẹn xin đến thăm ông để tìm hiểu thêm về bộ môn Ðịa lý Phong thủy, một môn Khoa học Nhân văn thiết thực tuy xưa cổ nhưng tràn đầy nhân tính trong mục đích báo hiếu tổ tiên và gây dựng tương lai cho con cháu.

Bác sĩ Phạm Văn An
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Chuyên gia phong thủy

Xem thêm »

Phong thủy gia đình

Xem thêm »

Vận Mệnh

Xem thêm »

Học Phong Thủy

Xem thêm »
 
TOP